DetailController

Văn hóa xã hội

Đôi nét về nghề truyền thống “Bánh cuốn Thanh Trì”

12/04/2023 09:42
Thanh Trì là một trong 14 phường thuộc quận Hoàng Mai Hà Nội. Phường Thanh Trì nằm cách trung tâm thành phố 5km, Phường có nghề truyền thống làm Bánh cuốn nổi tiếng. Đây là một món ăn dân dã, giản dị được nhiều người ưa thích và biết đến.

Cho đến tận bây giờ, có biết bao nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa mất nhiều thời gian để tìm hiểu mà vẫn chưa có được lời giải đáp rõ ràng: Bánh cuốn Thanh Trì có từ bao giờ và danh tính của ông tổ nghề bánh cuốn?. Chỉ biết rằng, món ăn đó đã có từ rất lâu đời và được đi vào văn chương của các nhà văn Thạch Lam, Vũ Bằng, Tô Hoài, Lý Khắc Cung,… Đến nay bánh cuốn Thanh Trì đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, được Cục sở hữu trí tuệ công nhận và trao Quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể “Bánh cuốn Thanh Trì” năm 2015.

          Vật dụng làm nghề trước kia gồm có cối đá xay bột nước theo cách xay tay thủ công, giàng để cối, cầu để bánh, que cất bánh, vại nước mưa, nồi đồng điếu, bếp than,vv…vv. Ngày nay, nhân dân trong phường đã sử dụng máy xay bột nước bằng điện, tráng bánh bằng bếp ga, nồi điện nhằm giảm bớt sức lao động của con người, đảm bảo vệ sinh, tránh ô nhiễm môi trường. Hiện nay trên địa bàn phường Thanh Trì còn gần 50 hộ duy trì nghề truyền thống với hình thức tráng bánh thủ công bằng tay, chỉ có duy nhất 01 hộ sử dụng hình thức tráng bánh bằng máy. Nguyên liệu làm bánh thì đến nay vẫn vậy, bao gồm gạo, mỡ hoặc dầu ăn để phi hành lá, hành củ. Bánh cuốn Thanh Trì không có hàn the hay chất bảo quản. Nó được chia làm 2 loại, đó là bánh cuốn lá (gồm lá bánh cuốn mỏng tang được quệt vào giữa chút hành lá phi thơm màu nâu sậm và bánh cuộn nhân thịt gồm có thịt xay, mọc nhĩ, hành khô). Để làm ra được những chiếc bánh cuốn Thanh Trì, cần phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, từ khâu chọn gạo, ngâm gạo, xay bột, pha bột, phi hành, làm nhân bánh đến pha nước mắm,...Gạo phải được lựa chọn kỹ, đó là gạo tẻ ngon, ngâm vài ba tiếng rồi vo sạch sau đó xay thành bột nước. Bếp tráng phải đủ lửa, không quá to, quá nhỏ. Khi tráng, người thợ bánh múc một chút bột nước nhỏ láng một lớp mỏng lên mảnh vải được chêm chặt bởi khuôn tre đặt trên nồi nước sôi, đậy vung chừng 1 phút đến khi bột bánh chuyển màu trắng trong phồng lên thì dùng que cất bánh lấy bánh ra để lên cầu đựng bánh và xoa một lớp hành lá phi.

            Bánh cuốn Thanh Trì đặc biệt ở chỗ: Bánh được tráng bằng tay từng chiếc nhỏ như nửa vầng trăng, mỏng tang, lá bánh càng mỏng, càng ngon. Khi thưởng thức món bánh cuốn Thanh Trì thì không thể thiếu chả quế, rau mùi, hành khô cùng bát nước chấm đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt, thơm nồng của vị cà cuống đặc trưng, chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi. Chuyên trang du lịch Traveller nổi tiếng của Úc đã đưa món bánh cuốn Việt Nam vào top 10 những món ngon hấp dẫn nhất thế giới và khuyến khích các du khách nên thử.

          Như vậy món bánh cuốn Thanh Trì không chỉ là món quà quê nổi tiếng trong nước mà còn được cả những người nước ngoài biết đến, nó có mặt trong các khách sạn, nhà hàng nổi tiếng, nhiều người đặt làm quà gửi đi các nước Pháp, Đức, Nga, các nước Đông Âu, châu Á… Đó cũng là một trong những món ăn nằm trong thực đơn Quốc yến chiêu đãi Tổng thống Donaild Trump khi đến thăm Việt Nam. Tháng 6/2018 Tổng thống cộng hòa Nauru cùng phu nhân cũng đã tới thăm, trải nghiệm và thưởng thức đặc sản bánh cuốn tại chính làng nghề Thanh Trì.

Đến với hội thi nghề truyền thống “Bánh cuốn Thanh Trì” năm 2023, Ban tổ chức đã bố trí 02 gian hàng trải nghiệm do hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phường Thanh Trì – sức trẻ tiếp nối truyền thống sẽ giúp quý khách được tự tay trải nghiệm qua việc xay bột, tráng bánh và cùng xem những người thợ, người con của quê hương Thanh Trì đang miệt mài tráng những lá bánh mỏng tang góp phần gìn giữ, phát huy nghề truyền thống và lưu giữ nét văn hóa ẩm thực cổ xưa của người Hà Nội./.

UBND phường Thanh Trì

NewsByCategory