DetailController

Tin tức khác

NẮM CHẮC TÌNH HÌNH DIỄN BIẾN, NHẬN DIỆN RÕ NGUY CƠ VÀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH

18/10/2023 10:47
Hiện nay, một số dịch bệnh truyền nhiễm có diễn biến phức tạp. Dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn so với năm 2022; bệnh đau mắt đỏ có dấu hiệu lây lan nhanh, bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đều đã có ca tử vong trong nước. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, bên cạnh các biện pháp thường xuyên của chính quyền và các ngành chức năng, mỗi cá nhân, gia đình cùng cộng đồng, xã hội cần trang bị những kiến thức, hiểu biết về dịch bệnh, nâng cao ý thức phòng, chống dịch.

Theo đánh giá của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Thành phố đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết với số ca mắc không ngừng tăng. Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 12.700 ca mắc sốt xuất huyết (cùng kỳ năm 2022 có 3.698 ca mắc); các ca mắc xuất hiện tại 30/30 quận, huyện, thị xã và tại 94% số xã, phường, thị trấn. Cũng theo CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục tăng nhanh, trong đó một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.

Để bảo đảm sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, Thành phố duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch. Đồng thời, tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế; thường xuyên giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao. Huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tham gia triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch bệnh và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát. Các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế.

Không chỉ dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trên cả nước đang xuất hiện dịch đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc cấp). Đây là bệnh lý theo mùa, có tốc độ lây lan rất nhanh, gây dịch quy mô nhỏ kiểu liên gia đình, thường do nhóm vi rút Adeno gây ra. Để hạn chế dịch đau mắt đỏ, người dân cần tuân thủ, thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh như: (1) Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, (2) Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng, (3) Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… (4) Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường, (5) Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh, (6) Hạn chế tiếp xúc với người bệnh đau mắt đỏ, (7) Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác, (8) Người có dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Mặc dù kiểm soát tốt đối với các bệnh: Dại, sởi, viêm não Nhật Bản, ho gà..., song một số dịch bệnh khác như: Tay chân miệng, thủy đậu, liên cầu lợn, uốn ván từ đầu năm đến nay đều ghi nhận số ca mắc khá cao. Bệnh tay chân miệng có 1.657 ca mắc (cùng kỳ năm 2022 có 1.427 ca mắc). Bệnh thuỷ đậu có 1.999 ca mắc, không có trường hợp tử vong (cùng kỳ năm 2022 có 260 ca mắc, không có ca tử vong). Bệnh liên cầu lợn có 15 ca mắc, 2 trường hợp tử vong (cùng kỳ năm 2022 có 2 ca mắc, không có ca tử vong). Bệnh uốn ván ghi nhận 21 ca mắc, 2 trường hợp tử vong (cùng kỳ 8 ca mắc, 0 tử vong).

Trước tình hình đó, Thành phố đã giao UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác, không để dịch bùng phát trên địa bàn quản lý. Chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch bệnh và triển khai hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023.

Thành phố tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh, trong đó tập trung vào các thông tin, hướng dẫn các triệu chứng nhận biết sớm mắc bệnh để người dân chủ động tới khám, điều trị tại các cơ sở y tế, các thông tin khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh và các nội dung chi tiết, cụ thể về hoạt động xử lý dịch bệnh tại các khu vực có ca bệnh, ổ dịch (thông báo khu vực có dịch bệnh, thông báo lịch triển khai các hoạt động xử lý dịch bệnh và các hoạt động người dân cần phối hợp để triển khai công tác xử lý dịch bệnh...). Thành phố đang nỗ lực, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự chung tay của người dân, nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Vì sức khỏe cộng đồng, mỗi người dân Thủ đô chủ động nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh và tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch bệnh!

phòng VHTT quận

NewsByCategory